Nuôi trồng thủy sản – Kiến thức cũ mà mới cho cộng đồng huyện A Lưới

Nuôi trồng thủy sản – Kiến thức cũ mà mới cho cộng đồng huyện A Lưới

CSRD phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khóa tập huấn cho gần 100 người dân ở 05 xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Kim, Quảng Nhâm và Sơn Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bà Phan Thị Thu Hồng – Phó Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế tham gia giảng dạy tại khóa tập huấn về nuôi trồng thủy sản bền vững.

Những kiến thức cơ bản về Nuôi trồng thủy sản bền vững đã được chia sẻ. Đồng thời, 10 nhóm cộng đồng cũng được hình thành tại khóa tập huấn, tương đương với 10 mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản sẽ được CSRD hỗ trợ xây dựng và tiến hành hoạt động trong thời gian tới. Mỗi mô hình sinh kế được hỗ trợ 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng), các nhóm sẽ chủ động xây dựng mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản dựa trên điều kiện tự nhiên, tài nguyên và nhân lực của nhóm với sự tham gia của cả nam và nữ. Những mô hình sinh kế trên 30 triệu đồng nhóm cộng đồng sẽ chủ động đối ứng thêm.

Các thành viên trong nhóm tiến hành thảo luận và lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp.

Mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản bền vững bước đầu giúp người dân cải thiện hoạt động sinh kế tại địa phương, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững. Ngoài ra, hoạt động còn tăng cường vai trò của cộng đồng đặc biệt là phụ nữ trong việc bảo vệ tài nguyên nước ở trong lưu vực sông A Sáp – A Lưới. Trong thời gian tới, CSRD tiếp tục phối hợp cùng Chi cục Thủy sản T.T.Huế tiến hành các hoạt động tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng và theo sát các nhóm trong việc vận hành mô hình sinh kế.

Kết quả bước đầu của khóa tập huấn, các nhóm đã xác định các mô hình nuôi trồng sẽ tiến hành trong thời gian tới. Theo đó, (1) xã Hồng Thượng tiến hành xây dựng 2 mô hình nuôi cá Trắm cỏ trong lòng hồ thủy điện A Lưới; (2) xã Hồng Thái hình thành 1 mô hình nuôi cá Trắm trong ao và 1 mô hình nuôi cá Trắm trong lòng hồ thủy điện; (3) xã Quảng Nhâm sẽ có 2 mô hình nuôi cá Trắm trong ao; (4) xã Sơn Thủy tiến hành nuôi cá Trắm, rô phi trong ao tại xã; (5) xã Hồng Kim tiến hành nuôi cá Trắm trong ao hồ tại xã. Đa phần các nhóm đều lựa chọn nuôi cá Trắm cỏ, được biết đây là giống cá dễ nuôi, giá trị kinh tế cao. Mặt khác, cá Trắm ít công chăm sóc, ít bệnh và tận dụng được nguồn cỏ tự nhiêu tại địa phương, không cần đầu tư nguồn thức ăn công nghiệp quá nhiều. Thị trường tiêu thụ của cá Trắm cỏ cũng rất tiềm năng và ổn định, theo chia sẻ của người dân: “Cá Trắm A Lưới rất được thị trường ưa chuộng, giá thành cao hơn so với cá Trắm được nuôi ở các vùng miền xuôi”. Đây là 1 lợi thế lớn cho các nhóm và mô hình sinh kế có thể phát triển và vận hành ổn định trong thời gian tới.

Trình bày mô hình sinh kế mà nhóm lựa chọn thực hiện sau này.

Qua hoạt động tập huấn, CSRD đã ghi nhận rất nhiều mong muốn từ các nhóm cộng đồng trong việc tiếp tục hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người dân liên quan đến nuôi trồng thủy sản bền vững.

Chị Hồ Thị Nôn – xã Quảng Nhâm chia sẻ: “Gia đình tôi cũng có hồ nuôi cá, tôi cũng tiến hành thả nuôi nhưng hiệu quả chưa cao. Bản thân tôi chưa biết cách chăm sóc, cho ăn hay quy trình kỹ thuật nuôi như thế nào, cứ có hồ là thả cá đến khi cá chết hay nuôi lâu không lớn cũng không biết làm sao. Được học về các kỹ thuật nuôi như thế này không chỉ giúp việc nuôi cá trong ao của nhà tôi được cải thiện mà cũng giúp ích rất nhiều khi cùng nhóm nuôi cá sau này”.

 

Chuyến thăm rừng ngập mặn của đoàn làm phim VTV1

Trong chuyên mục tìm hiểu các mô hình phòng chống thiên tai tiêu biểu, đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) đã có chuyến thăm rừng ngập mặn tại thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 22/11/2019.

Ban quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn tham gia cùng đoàn làm phim.

Tại đây, đoàn làm phim đã được lắng nghe người dân chia sẻ về lợi ích của rừng ngập mặn đối với cuộc sống, các hoạt động sinh kế đánh bắt và khai thác thủy sản cũng như lợi ích trong việc phòng chống thiên tai mà rừng ngập mặn đã mang lại; tham gia hoạt động giám sát và bảo vệ rừng, cùng người dân trải nghiệm hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trên phá Tam Giang, trực tiếp thực hiện những thướt phim chân thực về cuộc sống người dân khu vực đầm phá.

Rừng ngập mặn sau gần 2 năm trồng, có cây đã cao hơn 2m, tán rộng.

3,2ha Bần đã được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) phối hợp cùng chính quyền và người dân địa phương trồng tại thôn Vĩnh Trị từ hơn 2 năm về trước. Theo đánh giá và chia sẻ của ban quản lý và bảo vệ rừng thì diện tích rừng ngập mặn phát triển khá tốt, tỷ lệ sống đạt gần 80%. Công tác quản lý và bảo vệ rừng chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào về việc chặt phá cây rừng hay đánh bắt thủy sản trái phép trong khu vực rừng trồng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và diễn biến cực đoan của các hiện tượng thiên tai, bão lũ hiện nay, việc phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển được xem là giải pháp tối ưu và đang được áp dụng phổ biến tại khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi tiến hành trồng rừng, phía dự án đã hỗ trợ nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ và quản lý rừng trong 06 tháng. Hỗ trợ nguồn vốn vay 30.000.000đ cho vay đối với các hộ gia đình có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, đồng thời tạo cơ chế để các hộ vay vốn tham gia vào việc chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn, nguồn vốn này được cho vay luân chuyển với lãi suất 4%/ năm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng ban hành quyết định thành lập Ban quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, phối hợp cùng người dân thường xuyên theo dõi, giám sát, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Hoạt động khai thác thuỷ sản trên Phá Tam Giang.
Niềm vui lao động, khai thác thuỷ sản trên phá của người dân.

Ông Ngô Văn Dũng – thôn Vĩnh Trị, thành viên ban quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn chia sẻ: “Cũng nhờ khu rừng ngập mặn này, tôm cá bây giờ nhiều hơn, ngày xưa là không có như vậy đâu, nguồn lợi thủy sản tăng cải thiện rất nhiều thu nhập cho bà con. Trong mùa mưa bão, khu rừng này cũng che chắn rất nhiều cho các hồ nuôi tôm, bảo vệ phần đê nằm ven phá, giúp hạn chế xói mòn, sạt lở”.
Ông Lê Xuân Hướng – Phó Chủ tịch UBND cho biết: “Đa phần người dân trong xã đều có ý thức bảo vệ diện tích rừng ngập mặn đã được trồng vì họ nhận thấy được giá trị, cũng như lợi ích mà rừng ngập mặn đã mang lại đối với cuộc sống cũng, nguồn lợi sinh kế cũng như công tác PCTT”.
Trong thời gian tới, địa phương có kế hoạch mở rộng diện tích rừng ngập mặn, xây dựng và phát triển du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng giúp phát triển kinh tế của địa phương, đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch phát triển bền vững.

Chia sẻ của ông Ngô Văn Dũng – thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế về lợi ích của rừng ngập mặn đối với đời sống của người dân địa phương.

Cộng đồng tham gia tập huấn khởi nghiệp – xây dựng mô hình kinh doanh

Ngày 23/6/2019 Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) đã tổ chức Tập huấn khởi nghiệp – Xây dựng mô hình kinh doanh cho các nhóm mô hình sinh kế cộng đồng tỉnh Đak Lak tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak.
Toàn cảnh khóa tập huấn.
Mục tiêu của khóa tập huấn lần này nhằm giới thiệu công cụ trực quan để thiết kế một mô hình Kinh doanh phù hợp đối với nhóm, khả năng áp dụng công cụ này để kiểm chứng, xây dựng và tối ưu hóa Mô hình Kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện Mô hình Kinh doanh thực tế của chính Hợp tác xã (HTX). Tham gia khóa tập huấn là các thành viên của nhóm du lịch sinh thái Thiên Phú và thủy sản Thiên Phú thuộc HTX Nông nghiệp và du lịch Phú Nông. Giảng viên khóa tập huấn là ông Trương Thanh Hùng đồng sáng lập – điều hành FiNNO Venture, một tổ chức chuyên về Đào tạo – Cố vấn – Đầu tư vào Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo (ĐMST).
Nội dung chính tập trung vào các kiến thức liên quan đến định vị doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, một số các thông tin cần thiết để xây dựng doanh nghiệp như chú trọng phân khúc khách hàng, giá trị sản phẩm, kênh thông tin/truyền thông sản phẩm, quan hệ khách hàng,…
Ông Trương Thanh Hùng cùng các học viên thảo luận về các nội dung liên quan đến chiến lược kinh doanh.
Giảng viên cùng các học viên đã có những trao đổi cụ thể về kiến thức cũng như kinh nghiệm liên quan đến xây dựng mô hình kinh doanh, đây được xem là một bước mở đầu khá quan trọng và cần thiết mà nhóm mô hình kinh doanh cần chú trọng.
Trước đó, thành viên các nhóm cộng đồng do CSRD hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế đã có chuyến tham quan trại cá Ea Kao. Tại đây, các nhóm đã cùng nhau tìm hiểu, tham quan và trao đổi kiến thức liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, cách thức xây dựng và vận hành mô hình HTX nuôi trồng thủy sản.
————————–
Hoạt động trong khuôn khổ dự án “Quản trị tài nguyên Nước” do CSRD thực hiện tại tỉnh Đak Lak, hỗ trợ xây dựng năng lực và mô hình sinh kế cộng đồng cho 03 nhóm cộng đồng tại đây.

Vai trò của cộng đồng trong mô hình đồng quản lý – Các vấn đề cần được quan tâm

Ngày 31/5/2019, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Đak Lak tổ chức Diễn đàn cấp tỉnh: Vai trò của cộng đồng trong mô hình đồng quản lý – Các vấn đề cần được quan tâm tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak.

Toàn cảnh diễn đàn ngày 31/5/2019.

Mục tiêu của diễn đàn lần này là định hướng vai trò và kế hoạch phát triển các Chi hội nghề cá và các nhóm thủy sản trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện mô hình đồng quản lý trong tài nguyên nước và thủy sản. Thành phần tham dự bao gồm các đại diện đến từ Chi cục thủy sản tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi hội nghề các huyện Lak, huyện Ea Sup, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đak Lak), đại diện các phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền, Phú Vang ở tỉnh Thừa Thiên Huế,…

Bà Phạm Thị Diệu My – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội.


Tại diễn đàn, bà Phạm Thị Diệu My – Giám đốc CSRD đã có những báo cáo, chia sẻ thông tin về kết quả thực hiện dự án tại tỉnh Đắk Lắk cũng như tóm tắt sơ bộ các phương án khoanh vùng, đồng quản lý mặt nước ở hồ Lắk – huyện Lắk.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện các ban ngành liên quan đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trình bày các báo cáo, tham luận về các phương án khoanh vùng, sử dụng mặt nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Các phương án chỉ rõ để quản lý tốt các hoạt động khai thác thủy sản cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; cần có sự kết hợp giữa cộng đồng với chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng khác.

Ông Trần Chuối – Chuyên viên Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày tại diễn đàn.

Trong các phương thức quản lý thì sự tham gia các bên đặc biệt là cấp xã và cộng đồng là nền tảng để phát huy tính tự chủ và kiểm soát nguồn tài nguyên nước và thủy sản. Đây là phương thức mà ở đó cộng đồng tự quản lý, kiểm soát giúp Nhà nước giảm bớt chi phí quản lý hành chính, nâng cao trách nhiệm đối với nguồn lợi, đảm bảo nguồn lợi được sử dụng bền vững.

Làm vệ sinh rừng ngập mặn ở thôn Vĩnh Trị

Thực hiện Kế hoạch số 103 ngày 19/4/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành kế hoạch tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2019 trên địa bàn tỉnh, thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu rác thải nhựa” Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) phối hợp cùng trường Trung học Cơ sở Hoàng Kim Hoán tổ chức hội hoạt động thu gom rác thải và chăm sóc rừng ngập mặn ở thôn Vĩnh Trị (xã Hải Dương).
Hoạt động với sự tham gia của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế, 30 em học sinh của trường THCS Hoàng Kim Hoán, chính quyền và người dân xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Rừng ngập mặn tại thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế sau hơn 1 năm trồng.
Ông Lê Quang Tiến – Cán bộ dự án trồng rừng chia sẻ thông tin và đặc điểm của rừng ngập mặn.

Mục đích của hoạt động lần này nhằm chia sẻ thông tin, kết quả về rừng ngập mặn được trồng tại địa phương; tuyên truyền về vai trò Phòng chống thiên tai của rừng ngập mặn cho học sinh và người dân địa phương; tiến hành thu gom rác thải, vệ sinh và chăm sóc rừng ngập mặn.

Các bạn học sinh tiến hành thu gom và phân loại rác thải tại khu vực đê bãi đá ven phá.
Các thành viên tham gia khác tiến hành vệ sinh rừng ngập mặn.
Rong, bèo bám vào các cây ngập mặn làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.

Rừng ngập mặn ở xã Hải Dương được trồng từ tháng 4/2018 trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với lũ lụt ở khu vực thành phố và ven biển tình Thừa Thiến Huế”, đến nay cây phát triển tốt với tỷ lệ sống trên 90%.

Mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện của thôn Tân Phú

Mô hình nuôi cá ở thôn Tân Phú, xã Ea Noul, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đak Lak do CSRD hỗ trợ xây dựng và thành lập nhóm từ năm 2017, nhóm hoạt động với 15 thành viên đến từ các hộ gia đình khác nhau trong thôn. Bước đầu mô hình nuôi cá của thôn đã mang lại hiệu quả nhất định về mặt kinh tế cho các hộ nuôi tham gia.
CHI PHÍ CỦA MÔ HÌNH NUÔI CÁ LỒNG
Kích thước lồng: 50m2
Cá giống: 2.500x 1.000đ = 2.500.000đ
Vệ sinh lồng: 260.000đ (công quy đổi thành tiền)
Thời gian làm việc: 4.000.000đ (công quy đổi thành tiền)
Tổng cộng: 25.760.000đ
Thu nhập: 40.000.000đ
Lãi thu được: 14.240.000đ

Khu vực lồng nuôi cá thôn Tân Phú trên lòng hồ thủy điện Srepok.
Các thành viên trong nhóm cùng nhau phân công chăm sóc và canh giữ lồng nuôi cá.
Các loại cá được thả nuôi trong lồng là cá lóc, cá rô phi, cá trắm. Đây là các loại cá được thị trường ưa chuộng hiện nay, giá thành và đầu ra đều rất ổn định.

Bên cạnh các giá trị về mặt kinh tế, mục tiêu và lợi ích hoạt động chính của nhóm khi tham gia dự án là đảm bảo phát triển các hoạt động sinh kế, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, khai thác và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước ở khu vực sông Srepok.

Ông Nguyễn Hoàng Quyển – trưởng thôn và là trưởng nhóm của nhóm nuôi cá lồng thôn Tân Phú. — tại Buôn Đôn.
Thành viên tham gia nhóm chia sẻ những hoạt động liên quan đến nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện.

Trong thời gian tới, nhóm dự định phát triển và mở rộng quy mô của lồng nuôi, thành lập và kết nối các hợp tác xã hoạt động về thủy sản, xây dựng mô hình du lịch tham quan cộng đồng với các điểm nhấn là hồ nuôi cá lồng, vườn tiêu, vườn cam quýt với phương thức canh tác hữu cơ cho nhiều đối tượng khác nhau.

Ngoại khóa về chủ đề rác thải nhựa của học sinh trường chuyên Quốc Học Huế

Hội thi “Hành động của bạn – Tương lai của chúng ta: Vì một môi trường không rác thải nhựa” do Đoàn trường Quốc Học Huế và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội phối hợp thực hiện đã diễn ra tại Hội trường Quốc Học Huế vào ngày 24/11/2018. 

Bà Phạm Thị Diệu My – Giám đốc CSRD phát biểu khai mạc hội thi.

Mục tiêu của hoạt động nhằm lan tỏa và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các em học sinh trong việc tham gia phân loại rác thải đô thị, nhất là rác thải tại trường học và gia đình.

Các phần thi với đa dạng hình thức thể hiện, thu hút và mang lại nhiều kiến thức cho các bạn học sinh.
Phần thi thời trang môi trường với nhiều tác phẩm thiết kế ấn tượng, tạo điểm nhấn đặc biệt cho hội thi.

Hội thi với 4 phần thi bao gồm: tiểu phẩm nêu chủ đề, kiến thức liên quan, thông điệp môi trường và thời trang tái chế xoay quanh chủ đề rác thải nhựa. Tham gia hội thi các bạn học sinh có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều kiến thức liên quan, nâng cao nhận thức và thay đổi hành động về việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sống của các loài sinh vật trên trái đất.
Trong khuôn khổ dự án “Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa từ thành phố đến sông và ra biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế” do USAID tài trợ.

Sáng tạo thực hiện quà tặng thầy cô giáo từ vật liệu tái chế

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) phối hợp cùng trường THCS Trần Cao Vân tổ chức chương trình ngoại khoá “Hội thi chúng em khéo tay: Quà tặng thầy cô từ vật liệu tái sử dụng” trong khuôn khổ dự án “Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm rác thải nhựa trên biển” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kì (USAID) tài trợ.

Các bạn cùng nhau thực hiện và hoàn thành các tác phẩm từ vật liệu tái chế.
Các tác phẩm được hoàn thành với nhiều màu sắc và ý nghĩa khác nhau dành tặng cho các thầy cô giáo trong ngày Nhà Giáo Việt Nam.

32 lớp thuộc 4 khối học của trường đã tham gia vào hội thi, các lớp đã hoàn thành 32 tác phẩm dành tặng cho các thầy cô giáo. Với các nguyên liệu chủ yếu từ rác tái chế, các bạn học sinh đã cùng nhau hoàn thành rất nhiều các tác phẩm có ý nghĩa để tặng các thầy cô giáo nhằm tri ân các thầy cô giáo trong dịp chào mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11.
Hoạt động là sân chơi bổ ích và lý thú nhằm giúp các em học sinh thỏa sức sáng tạo, nâng cao ý thức về việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững.

Hoạt động ngoại khoá ngày 20/11/2018

Người đăng: Trường THCS Trần Cao Vân Huế vào Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018