Nuôi trồng thủy sản – Kiến thức cũ mà mới cho cộng đồng huyện A Lưới

Nuôi trồng thủy sản – Kiến thức cũ mà mới cho cộng đồng huyện A Lưới

CSRD phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khóa tập huấn cho gần 100 người dân ở 05 xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Kim, Quảng Nhâm và Sơn Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bà Phan Thị Thu Hồng – Phó Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế tham gia giảng dạy tại khóa tập huấn về nuôi trồng thủy sản bền vững.

Những kiến thức cơ bản về Nuôi trồng thủy sản bền vững đã được chia sẻ. Đồng thời, 10 nhóm cộng đồng cũng được hình thành tại khóa tập huấn, tương đương với 10 mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản sẽ được CSRD hỗ trợ xây dựng và tiến hành hoạt động trong thời gian tới. Mỗi mô hình sinh kế được hỗ trợ 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng), các nhóm sẽ chủ động xây dựng mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản dựa trên điều kiện tự nhiên, tài nguyên và nhân lực của nhóm với sự tham gia của cả nam và nữ. Những mô hình sinh kế trên 30 triệu đồng nhóm cộng đồng sẽ chủ động đối ứng thêm.

Các thành viên trong nhóm tiến hành thảo luận và lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp.

Mô hình sinh kế về nuôi trồng thủy sản bền vững bước đầu giúp người dân cải thiện hoạt động sinh kế tại địa phương, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững. Ngoài ra, hoạt động còn tăng cường vai trò của cộng đồng đặc biệt là phụ nữ trong việc bảo vệ tài nguyên nước ở trong lưu vực sông A Sáp – A Lưới. Trong thời gian tới, CSRD tiếp tục phối hợp cùng Chi cục Thủy sản T.T.Huế tiến hành các hoạt động tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng và theo sát các nhóm trong việc vận hành mô hình sinh kế.

Kết quả bước đầu của khóa tập huấn, các nhóm đã xác định các mô hình nuôi trồng sẽ tiến hành trong thời gian tới. Theo đó, (1) xã Hồng Thượng tiến hành xây dựng 2 mô hình nuôi cá Trắm cỏ trong lòng hồ thủy điện A Lưới; (2) xã Hồng Thái hình thành 1 mô hình nuôi cá Trắm trong ao và 1 mô hình nuôi cá Trắm trong lòng hồ thủy điện; (3) xã Quảng Nhâm sẽ có 2 mô hình nuôi cá Trắm trong ao; (4) xã Sơn Thủy tiến hành nuôi cá Trắm, rô phi trong ao tại xã; (5) xã Hồng Kim tiến hành nuôi cá Trắm trong ao hồ tại xã. Đa phần các nhóm đều lựa chọn nuôi cá Trắm cỏ, được biết đây là giống cá dễ nuôi, giá trị kinh tế cao. Mặt khác, cá Trắm ít công chăm sóc, ít bệnh và tận dụng được nguồn cỏ tự nhiêu tại địa phương, không cần đầu tư nguồn thức ăn công nghiệp quá nhiều. Thị trường tiêu thụ của cá Trắm cỏ cũng rất tiềm năng và ổn định, theo chia sẻ của người dân: “Cá Trắm A Lưới rất được thị trường ưa chuộng, giá thành cao hơn so với cá Trắm được nuôi ở các vùng miền xuôi”. Đây là 1 lợi thế lớn cho các nhóm và mô hình sinh kế có thể phát triển và vận hành ổn định trong thời gian tới.

Trình bày mô hình sinh kế mà nhóm lựa chọn thực hiện sau này.

Qua hoạt động tập huấn, CSRD đã ghi nhận rất nhiều mong muốn từ các nhóm cộng đồng trong việc tiếp tục hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người dân liên quan đến nuôi trồng thủy sản bền vững.

Chị Hồ Thị Nôn – xã Quảng Nhâm chia sẻ: “Gia đình tôi cũng có hồ nuôi cá, tôi cũng tiến hành thả nuôi nhưng hiệu quả chưa cao. Bản thân tôi chưa biết cách chăm sóc, cho ăn hay quy trình kỹ thuật nuôi như thế nào, cứ có hồ là thả cá đến khi cá chết hay nuôi lâu không lớn cũng không biết làm sao. Được học về các kỹ thuật nuôi như thế này không chỉ giúp việc nuôi cá trong ao của nhà tôi được cải thiện mà cũng giúp ích rất nhiều khi cùng nhóm nuôi cá sau này”.

 

Quản trị tài nguyên nước – chủ đề tập huấn mới mẻ cho cộng động

Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã tổ chức khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên (tập huấn TOT) với chủ đề (1) Quản lý và sử dụng tài nguyên nước bền vững trong các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên (nông-lâm-ngư nghiệp); (2) Tăng cường năng lực và sự tham gia của nữ giới trong bảo vệ nguồn nước tại lưu vực sông A Sáp, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khóa tập huấn diễn ra trong 4 ngày tại huyện A Lưới với sự tham gia của 30 học viên đến từ 05 xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Quảng Nhâm, Sơn Thủy và Hồng Kim, Hội Phụ nữ cấp tỉnh, huyện, xã và các cơ quan ban ngành liên quan khác.

Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực, nhận thức liên quan đến quản trị tài nguyên nước, vai trò của phụ nữ, các cơ quan ban ngành, cộng đồng trong việc quản trị tài nguyên nước ở các cấp, đặc biệt là lưu vực sông A Sáp – Thừa Thiên Huế.

Bà Nguyễn Thị Nhật Anh – Giám đốc CSRD trao đổi kiến thức cùng các học viên tại khóa tập huấn.

Tại khóa tập huấn, các học viên có cơ hội được tiếp cận với các nội dung, kiến thức cơ bản về quản lý và sử dụng tài nguyên nước (TNN) hiệu quả, bền vững cũng như làm quen ban đầu với kỹ năng tổ chức tập huấn, có cơ hội thực hành và nhận phản hồi từ tư vấn viên kỹ thuật. Thông qua các hoạt động làm việc nhóm, trao đổi, chia sẻ theo nhóm, củng cố, người tham gia có thể trình bày lại các khái niệm nền tảng trong quản lý và sử dụng TNN. Từ đó, hình thành các ý tưởng về xây dựng mô hình sinh kế tương lai bền vững, dựa vào TNN.

Ngoài những kiến thức được học, các học viên còn được lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm thực tế về sử dụng và bảo vệ TNN trong quá trình làm việc với vai trò là cán bộ tại địa phương. Các bước cơ bản để xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn TOT-S dựa trên đặc điểm riêng của người dân sẽ tham dự tại địa phương cũng được giảng viên hướng dẫn trực tiếp, học viên thực hành tại lớp học.

Thảo luận nhóm, trao đổi kiến thức tại khóa tập huấn.

Tại khóa tập huấn, chị Lê Thị Vỹ – xã Hồng Kim chia sẻ: “Chủ đề và kiến thức của khóa tập huấn hay, không quá mới mẻ nhưng cũng tương đối khó với các học viên. Chúng ta nghe nhiều về nước, về sông nhưng lại rất ít khi nghe và không biết nhiều  về quản trị, quản lý tài nguyên nước. Bản thân tôi thấy khá hay và muốn được học hỏi, tìm hiểu nhiều hơn”.

Đánh giá về các học viên ghi nhận thái độ thiện chí, hợp tác, tinh thần hỗ trợ nhiệt tình, làm việc chuyên nghiệp và tôn trọng người tham gia. Đặc biệt, học viên thể hiện sự thích thú với phong cách truyền đạt mang tính khuyến khích cao và năng lực điều phối hoạt động học tập mới mẻ, lớp học có năng lượng tích cực. Phần lớn đối tượng tham gia tập huấn có nhận thức rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ của mình tại địa phương, có quan tâm đến sinh kế và hiểu được tầm quan trọng của tài nguyên nước nên rất hưởng ứng, chú ý đến những điểm liên quan tới thực tế địa phương. Nội dung tập huấn tuy khá gần gũi nhưng cũng mới mẻ với cộng đồng khi các khái niệm như hệ sinh thái, hệ nhân văn, lưu vực sông, quản trị nước cấp quốc gia, lưu vực,…được định nghĩa một cách khoa học và chính xác nhất.

Các bài tập thực hành được giảng viên đánh giá và góp ý thêm.

Sau khi hoạt động tập huấn TOT kết thúc, các học viên sẽ là những giảng viên nguồn tham gia giảng dạy, chia sẻ thông tin trực tiếp cho các khóa tập huấn TOTs tại cộng đồng. Chuỗi tập huấn TOTs dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 2/2023.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam” được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện theo quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 với một số hợp phần chủ yếu gồm: Nâng cao năng lực của cộng đồng trong quản trị nước và thủy sản; Phát triển sinh kế của địa phương với sự tham gia của phụ nữ; Hình thành hợp tác bền vững giữa các bên trong việc hỗ trợ các mô hình sinh kế tại địa phương.

Khởi động dự án quản trị tài nguyên nước lưu vực sông A Sáp, huyện A Lưới

Khởi động dự án quản trị tài nguyên nước lưu vực sông A Sáp, huyện A Lưới

Trong khuôn khổ hợp tác về quản trị nước với Oxfam Việt Nam, CSRD hiện đang triển khai dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam”. Tiếp nối các hoạt động của dự án, CSRD phối hợp cùng Hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khởi động dự án.

Hội thảo được tổ chức vào ngày 10/1/2023 tại khách sạn Duy Tân, Huế với sự tham gia của gần 50 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh, hội Phụ nữ các cấp và cộng đồng. Đặc biệt hội thảo còn sự tham gian của ông James Alexander Deane Bí thư Thứ hai – Đại sứ quán Úc, bà Bà Aurélie Righetti – Trưởng ban chương trình Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thuỵ Sĩ, đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam là các đơn vị tài trợ của dự án.

Bà Nguyễn Thị Nhật Anh – Giám đốc CSRD phát biểu tại hội thảo.

Mục tiêu của hội thảo nhằm (1) Giới thiệu chung về dự án và các hoạt động trọng tâm sẽ được triển khai: Chương trình phát triển nhóm cán bộ nguồn cùng Hội phụ nữ, Cuộc thi phụ nữ kể chuyện sông nước, Cuộc thi sáng kiến sinh kế; (2) Tạo không gian để các bên liên quan chia sẻ quan điểm về quản trị nước cũng như về phát triển mô hình sinh kế bền vững dựa vào tự nhiên, và sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động này. Ngoài ra, tại hội thảo các kết quả nghiên cứu ban đầu về các cộng đồng thuộc dự án được chia sẻ và cùng nhau thảo luận về các hoạt động sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Ông James Alexander Deane Bí thư Thứ hai – Đại sứ quán Úc tham gia hội thảo qua nền tảng trực tuyến zoom.

Phát biểu tại hội thảo, ông James Alexander Deane Bí thư Thứ hai – Đại sứ quán Úc nói: “Hội thảo khởi động hôm nay là khởi đầu của những gì mà chúng tôi mong muốn đạt được, hội thảo là nơi để các bên liên quan, đặc biệt là phụ nữ và cộng đồng dân cư hiểu được vai trò của quản trị tài nguyên nước đối với phát triển kinh tế và sinh kế. Quan trọng hơn, hội thảo xác định cơ hội hợp tác để giải quyết các thách thức của cộng đồng và góp phần thực hiện ra quyết định về tài nguyên nước mang tính thực tiễn và bao trùm”.

Hội thảo đã ghi nhận rất nhiều ý kiến, chia sẻ của cộng đồng, các cơ quan ban ngành liên quan. Vấn đề quản trị tài nguyên nước, mô hình sinh kế bền vững dựa vào tài nguyên nước không phải là vấn đề quá mới mẻ. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được sự quan tâm đúng mực trong việc quản lý và thực hiện.

Bà Hồ Thị Thầu – cộng đồng xã Quảng Nhâm chia sẻ ý kiến tại hội thảo.

Thông qua buổi hội thảo, các thông tin về dự án và hoạt động trong thời gian tới được phổ biến giúp cộng đồng nằm bắt, đồng thời kêu gọi sự tham gia và hợp tác, hỗ trợ từ tất cả các bên liên quan trong quá trình triển khai và thực hiện việc quản trị tài nguyên nước các cấp ở lưu vực sông A Sáp.

Chia sẻ cơ hội, lắng nghe ý kiến trong việc giải quyết vấn đề rác thải tại thành phố Huế

Ngày 22/12/2023, CSRD phối hợp với Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huê – HEPCO tổ chức buổi tọa đàm “Đóng góp của phụ nữ vào giải quyết vấn đề rác thải tại Thành phố Huế”. Mục tiêu của buổi toạ đàm nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu nội bộ của CSRD; tạo ra không gian thảo luận về cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng.

Ông Trần Quốc Khánh – Giám đốc HEPCO phát biểu tại buổi tọa đàm.

Buổi tọa đàm với sự tham gia của 38 đại biểu đến từ các Sở, ban ngành tỉnh T T Huế, đại diện HEPCO, đại diện lãnh đạo 5 phường, hội Phụ nữ 5 phường, các chị lao công và những người thu mua ve chai trên địa bàn tỉnh. Tại buổi tọa đàm, CSRD đã chia sẻ kết quả nghiên cứu do CSRD thực hiện trong thời gian qua, lắng nghe những câu chuyện của các chị lao công và các cô thu mua ve chai, thảo luận về sơ đồ chuỗi rác thải nói chung ở thành phố Huế. Rất nhiều những thông tin, kế hoạch và dự án được các bên tham gia chia sẻ, trao đổi tạo nên những cơ hội hợp tác, làm việc liên quan đến vấn đề giảm thiểu rác thải tại thành phố Huế.

Trần Thị Ngọc Liên – Nhân viên truyền thông HEPCO chia sẻ hiện bản thân chị đang thành lập các đội, nhóm sản xuất huân chương, huy hiệu từ việc sử dụng tái chế các nắp đậy của chai nhựa.
Các cô lao công, thu mua ve chai thông qua hoạt động nghiên cứu và tọa đàm phần nào hiểu được vai trò của mình trong chuỗi rác thải, tìm ra được những đầu mối liên kết để bán/ thu mua các chất thải tái chế nhằm đóng góp nhiều hơn nữa trong việc giảm thiếu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển bền vững đang là vấn đề đặt ra trên toàn thế giới, trong đó có các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong những năm gần đây, dân số không ngừng tăng và mức sống cũng ngày càng tăng tương đồng với sự phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn. Năng lực thu gom và xử lý rác thải không kịp thích ứng với bối cảnh này, hầu hết các bãi chôn lấp rác cho các thành phố đều quá tải, trong đó có bãi rác Thuỷ Phương cho thành phố Huế. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra đang dần trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi phải có các biện pháp quản lý khắc phục để bảo vệ môi trường trong khi vẫn phát triển kinh tế – xã hội.

Trong bối cảnh trên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội CSRD đã tiến hành nghiên cứu hành động có sự tham gia của các cô ve chai và các cô lao công về vai trò và đóng góp của phụ nữ trong chuỗi giá trị rác thải – tái chế tại thành phố Huế. Trong chuỗi giá trị rác thải này, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế HEPCO đóng vai trò quan trọng, không chỉ là đơn vị chính giải quyết vấn đề rác thải tại thành phố Huế, mà còn là nơi quản lý trực tiếp lực lượng lao công.

Truyền thông tại cộng đồng mang nhiều ý nghĩa thiết thực

Từ ngày 22-28/11/2022, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội phối hợp cùng Hội Phụ nữ các xã đã tổ chức hoạt động truyền thông tại 05 xã là xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Phú An, Phú Xuân và Hải Dương – Thừa Thiên Huế.

Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng liên quan đến Giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng Biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái.

Thông điệp cụ thể được các nhóm cộng đồng đưa ra trong các tiết mục trình diễn.

Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của hơn 700 người dân đến từ 5 xã tham gia hoạt động. Tại hội thi, 10 tiết mục truyền thông với chủ đề thích ứng dựa vào hệ sinh thái, nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng khả năng chống chịu của cộng đồng đã được trình diễn; 7 mô hình sinh kế thích ứng dựa vào hệ sinh thái của cộng đồng cũng được trình bày. Các tiết mục truyền thông và mô hình sinh kế đều được xây dựng và trình diễn bởi chính những thành viên tại cộng đồng.

Hoạt động với sự tham gia của đông đảo các chị em phụ nữ tại 05 xã.

Các tiết mục đều được chuẩn bị chu đáo, chỉnh chu, huy động sự tham gia của nhiều thành viên trong cộng đồng. Bên cạnh thể hiện những hạn chế, khó khăn trong việc phòng chống thiên tai tại cộng đồng các tiết mục cũng đã góp phần rất nhiều trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về PCTT, bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH. Nội dung của các tiết mục truyền thông diễn tả những hành động thực tế như xả rác bừa bãi, chặt phá rừng, khai thác cát, chủ quan trong phòng chống thiên tai, khai thác tận diệt tài nguyên…những hành động này dẫn đến những hệ lụy xấu về môi trường, sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh kế và tính mạng của người dân, cộng đồng.

Hoạt động bổ ích, ý nghĩa và rất nhiều niềm vui là cảm nhận của các chị khi tham gia.

Việc tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng được đánh giá cao nhờ mang lại những hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Thông qua những tiết mục do chính người dân trong cộng đồng thể hiện, các tiểu phẩm được cho là sát với thực tế, gần gũi và có tính tuyên truyền mạnh mẽ.

Sau khi kết thúc hoạt động truyền thông tại các xã – vòng 1, 5 tiểu phẩm, 5 mô hình sinh kế tốt sẽ được lựa chọn để trình diễn tại thành phố Huế – vòng 2.  Sau khi vòng 2 kết thúc, 02 sáng kiến truyền thông và 02 sáng kiến sinh kế tốt nhất sẽ được dự án hỗ trợ ghi hình và triển khai thực tế tại địa phương.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” theo quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 30/07/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, các hợp phần chính của dự án bao gồm: Tạo ra vườn ươm cộng đồng tự quản trong khu vực cây ngập mặn sẵn có do cộng đồng quản lý tại xã Hải Dương; Tổ chức các buổi truyền thông về Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái của các thành viên của Hội phụ nữ cấp cộng đồng.

Nghiên cứu về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại lưu vực sông A Sáp

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) đã có hoạt động nghiên cứu xác định nhu cầu của phụ nữ địa phương với mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại lưu vực sông A Sáp, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhóm cộng đồng tại xã Hồng Thượng, huyện A Lưới.

Hoạt động nghiên cứu được tiến hành tại 05 xã là Hồng Thái, Hồng Thượng, Quảng Nhâm, Sơn Thủy và Hồng Kim của huyện A Lưới.

A Lưới là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách thành phố Huế hơn 70 km, với diện tích hơn 122 nghìn ha – lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh với 4,337 hộ nghèo và 412 hộ cận nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc. Huyện cũng có địa hình đồi núi với mạng lưới sông ngòi dày đặc, độ dốc lớn nên thường bị sạt lở vào mùa mưa. Đây là thượng nguồn của nhiều con sông lớn ở Huế, trong đó có 2 sông chảy sang Lào là sông A Sáp và sông A Lin. Theo đánh giá ban đầu cộng đồng ven sông A Sáp thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến quản lý và sử dụng tài nguyên nước để đảm bảo đời sống.

Nhóm nghiên cứu làm việc cùng cộng đồng xã Hồng Thái, huyện A Lưới.

Sau khi hoạt động nghiên cứu kết thúc, CSRD sẽ tiến hành các hoạt động tham vấn ở các cấp cao hơn là xã, huyện và tỉnh. Từ những kết quả có được sẽ thực hiện hỗ trợ, nâng cao năng lực và xây dựng mô hình sinh kế phù hợp nhất tại các nhóm cộng đồng dựa trên điều kiện của từng cộng đồng cụ thể. Vai trò của phụ nữ trong các hoạt động của dự án này là hết sức quan trọng và cần thiết, do đó CSRD đã chú trọng rất nhiều đến sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các hoạt động dự án mà CSRD triển khai.

Những nụ cười và kiến thức mới

CSRD cảm nhận được những niềm vui của mọi người thông qua hoạt động tập huấn về kiến thức liên quan đến giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với Biến đổi khí hậu mà mọi người được tham gia.

CSRD luôn mong muốn được tổ chức thật nhiều các hoạt động ở cộng đồng, mang đến những kiến thức mới cho cộng đồng, những kỹ năng sinh hoạt, những giờ chơi mà học vui vẻ bên cạnh các hoạt động mưu sinh hằng ngày.

Cộng đồng xã Quảng Lợi tham gia vào hoạt động tập huấn tại địa phương.
Các thành viên tham gia cùng thực hiện các bài thảo luận nhóm liên quan đến xây dựng các tiết mục truyền thông về rủi ro thiên tai và thích ứng Biến đổi khí hậu.

Khóa tập huấn về thiên tai và Biến đổi khí hậu được CSRD phối hợp thực hiện cùng Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế cho 10 nhóm cộng động ở 05 xã là xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Hải Dương, Phú Xuân và Phú An. Bên cạnh kiến thức được truyền tải, các nhóm cộng đồng sẽ cùng nhau tham gia hội thi về chủ đề liên quan. Những tiết mục vui nhộn, ý nghĩa và mang tính chất tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiên tai và Biến đổi khí hậu sẽ sớm được hình thành và gửi đến mọi người trong thời gian tới.

Bà Đặng Đỗ Liên Chi – Hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế là giảng viên chính của các khóa tập huấn tại địa phương.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” theo quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 30/07/2021 được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt thực hiện. Một số hợp phần chủ yếu của dự án bao gồm: Xây dựng vườn ươm cây ngập mặn; Triển khai trồng rừng ngập mặn; Nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng trước thiên tai cho cộng đồng.

Khảo sát phân loại rác thải tại nguồn ở Huế

CSRD đã thực hiện hoạt động khảo sát liên quan đến việc tìm hiểu các chính sách và thực hiện phân loại rác thải trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhìn chung thông qua khảo sát đã thu được các thông tin hữu ích về hoạt động phân loại và thu gom rác trên địa bàn thành phố Huế, cũng như vai trò của phụ nữ trong hoạt động này. Đối với vấn đề cần phải phân loại rác thì đa phần người được khảo sát đều cho rằng cần phải phân loại rác ngay tại gia đình của người dân và do từng hộ gia đình chủ động thực hiện. Hoạt động phân loại hiện tại chỉ dừng lại ở việc phân loại rác thải tái chế và không tái chế, chưa thực sự chú trọng đến việc phân loại các loại rác thải như: rác hữu cơ, rác độc hại, rác không tiêu hủy được,… Các cô thu gom/ thu mua ve chai giữ một vai trò quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên hoạt động của họ vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn nhất định.

Phỏng vấn nhân viên thu gom rác thải (nhân viên của HEPCO) trong quá trình làm việc.

Do người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nhà nên việc vừa phải thu gom vừa phải phân loại rác của các nhân viên HEPCO còn nhiều vất vả và chưa đạt hiệu quả. Việc phải vừa thu gom vừa phân loại rác như vậy tốn rất nhiều thời gian vì khối lượng rác phải thu gom hàng ngày rất lớn, họ không thể mở từng bao rác ra để phân loại rồi mới tiến hành thu gom chúng. Theo đánh giá của các nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế – HEPCO được khảo sát thì hiện tại đã có các thùng phân loại rác nhưng người dân vẫn chưa phân loại đúng theo từng thùng nên việc triển khai công tác phân loại sẽ cần nhiều thời gian hơn để người dân có thể quen với việc phân loại.

Việc phân loại rác thải nên thực hiện ngay tại các hộ gia đình – tại nguồn để đạt hiệu quả cao nhất.

Việc phân loại rác tại nguồn nên là trách nhiệm của mỗi cá nhân tại từng gia đình, còn nhân viên thu gom của HEPCO sẽ có vai trò hướng dẫn, nhắc nhở người dân về việc phân loại rác như vậy sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và đạt hiệu quả hơn.
Descoperă cea mai bună experiență de joc dintre cazinourile românești sursă, însoţită și de bonusuri excelente. Pune la încercare sloturile gratuit oricând doreşti!

CSRD nhận Giải thưởng RISK 2021 với dự án “Strong roots, Strong Women”- Gốc rễ bền chặt, phụ nữ quật cường

CSRD nhận Giải thưởng RISK 2021 với dự án “Strong roots, Strong Women”

CSRD tự hào khi đạt được Giải thưởng RISK* năm 2021 của Quỹ Munich Re với dự án mang tên “Gốc rễ bền chặt, Phụ nữ quật cường” với mục tiêu chính là trao quyền cho phụ nữ về tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển dựa vào các bên liên quan. Hợp tác với công ty UP Transfer GmbH tại Đại học Postdam, Đức, chúng tôi kỳ vọng sẽ thành lập vườn ươm trong rừng ngập mặn do cộng đồng quản lý tại một trong những đầm phá lớn nhất Đông Nam Á và sáng kiến Quỹ cộng đồng đổi mới sáng tạo để hỗ trợ phụ nữ. Ngoài ra, rừng ngập mặn đồng thời tạo ra nhiều lợi ích chung về xã hội, kinh tế và văn hóa, hỗ trợ sinh kế cho các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương do phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên.

Chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả những người đã luôn ủng hộ và hỗ trợ để chúng tôi đạt được thành công này.

*Giải thưởng RISK – do Quỹ Munich Re phối hợp với Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc (UNDRR) thành lập nhằm giúp cải thiện việc giảm thiểu rủi ro và quản lý thiên tai.

Để biết thêm thông tin về toàn bộ dự án, vui lòng xem thêm ở đây hoặc ở đây

Chia sẻ kết quả thực hiện dự án về Bạo lực giới

Ngày 29/1/2021, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Phòng chống các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em ở tỉnh Thừa Thiên Huế” tại khách sạn Heritage, 9 Lý Thường Kiệt, TP Huế.

Bà Phạm Thị Diệu My – Giám đốc CSRD phát biểu khai mạc hội thảo.

Mục tiêu chính của hội thảo nhằm chia sẻ kết quả thực hiện dự án và lấy ý kiến các bên trong việc xây dựng các dự án với chủ đề liên quan trong thời gian tới.
Hội thảo với sự tham gia của gần 80 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, trường học và các cộng đồng hưởng lợi từ dự án.
Đặc biệt, CSRD vinh dự được đón tiếp bà Deborah Paul, là đại sứ Canada tại Việt Nam, cũng là đại diện phía nhà tài trợ tham dự hội thảo.

Bà Deborah Paul – Đại sứ Canada tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Bạo lực giới, bạo lực tình dục là chủ đề nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên các hoạt động về chủ đề này vẫn còn rất hạn chế trong việc tổ chức, giáo dục thường xuyên tại cộng đồng cũng như trong trường học.

Đại diện cộng đồng tham gia hội thảo chia sẻ về quá trình tham gia hoạt động dự án.

Một số kiến nghị cũng được đề xuất trong quá trình thực hiện các hoạt động liên quan đến cần có thêm các tài liệu phát tay, tài liệu truyền thông phát tay về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới dành cho cộng đồng; đối với các địa bàn ở nông thôn (các xã) nên mở rộng đối tượng tham gia để nâng cao cơ hội tiếp cận các thông tin về bạo lực tình dục và bình đẳng giới cho phụ nữ nói riêng và người dân địa phương nói chung; mở rộng các hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng liên quan đến bạo lực giới, bạo lực tình dục ở các huyện cũng như tỉnh thành khác.
Dự án “Phòng chống các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em tại Tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam” được triển khai thực hiện từ tháng 11/2020, với mục tiêu (i) nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới ở phụ nữ và trẻ em (ii) bảo vệ phụ nữ và trẻ em trai và gái khỏi nguy cơ bạo lực tình dục. Dự án mang đến những tác động tích cực đến hai nhóm đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái. Thứ nhất là nhóm đối tượng phụ nữ lao động chân tay, có trình độ học vấn thấp và hạn chế tiếp cận thông tin về bạo lực giới ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Thứ hai là nhóm đối tượng học sinh nam và nữ đang theo học các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.