Trong khuôn khổ dự án “Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” do CSRD thực hiện với sự tài trợ của USAID nhiều hoạt động bổ ích và hấp dẫn về chủ đề rác thải nhựa đã được diễn ra tại các trường học.
Tham gia các hoạt động này, các em học sinh được cung cấp thêm nhiều kiến thức liên quan, hiểu rõ hơn tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường qua đó nhằm nâng cao nhận thức của các bạn học sinh trong việc bảo vệ môi trường.
Nguồn: trt.com
Rau sạch – mong muốn sắp thành hiện thực
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) luôn hoạt động với mục tiêu mang lại cho cuộc sống của người dân những điều tốt hơn, phát triển không ngừng vì cuộc sống của chính cộng đồng và toàn xã hội. Giờ đây, CSRD mong muốn mang đến nguồn rau sạch cho người dân thành phố Huế và xa hơn là người dân cả nước.
Các vụ ngộ độc thực phẩm, các bài báo viết về rau nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, rau củ sử dụng thuốc tăng trưởng, … khiến người tiêu dùng luôn không ngừng lo lắng về nguồn thực phẩm mà họ đang tiêu dùng hằng ngày. Người dân sử dụng sản phẩm chỉ với một tiêu chí dựa vào niềm tin, người bán hàng bảo là sạch vậy thì … tin là sạch.
Từ những thực tế đó, CSRD đã luôn mong muốn là làm sao cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng, trước mắt là thành phố Huế và xa hơn là các tỉnh thành trong cả nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện được mong muốn như vậy cũng rất khó và chủ yếu nằm ở việc tìm kiếm những nguồn cung cấp đảm bảo sạch an toàn. Những khó khăn này nằm ở thực tế là các nguồn nông sản này chỉ được sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, trong từng hộ gia đình nhiều hơn thì vài trăm m2 cũng chỉ đủ cung cấp cho tiêu dùng của chủ vườn hằng ngày, còn lại cung ứng ra thị trường thì vẫn chưa thể đáp ứng được.
CSRD đã thành lập nhóm Susu Xanh – Nông sản Huế sạch, nhóm này với những bạn trẻ có nhiều tâm huyết về rau củ sạch, rau hữu cơ. Để có thể thực hiện này, nhóm Susu Xanh đã liên hệ, tìm kiếm từ rất nhiều nguồn thông tin khác nhau ở Huế để có thể tìm được nguồn cung ứng rau sạch, an toàn và tốt nhất cho người tiêu dùng ở Huế. Những địa điểm mà các bạn đang hướng đến và có thể cung ứng nguồn rau sạch trong thời gian tới là vườn rau của chùa Đức Sơn (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), Tịnh Trúc Gia (phường Thủy Xuân, Hương Thủy), vườn rau sạch ở Kim Long và một số vườn khác. Nguồn thực phẩm này cần đạt được 5 tiêu chí mà Susu Xanh hướng đến đối với nguồn thực phẩm sạch là không thuốc trừ sâu, không phân hóa học, không chất kích thích, không chất bảo quản và không là thực phẩm biến đổi gen.
Việc hướng đến tiêu dùng an toàn, sử dụng các sản phẩm hữu cơ sẽ góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cho người dân ở Huế và xa hơn Susu Xanh luôn mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng hơn nữa để tất cả những người tiêu dùng đều có thể sử dụng sản phẩm sạch và an toàn.
Thanh Tâm
Nhìn lại Việt Nam từ thỏa thuận khí hậu COP21
Thỏa thuận khí hậu đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris đã tạo được một bước tiến đáng nể trong hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của nhân loại. Nhìn lại Việt Nam, đây sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn, với nhiều tác động quan trọng tới các chính sách trong nước…
Là diễn đàn nơi các quốc gia cố gắng đạt được những thỏa thuận về cắt giảm khí thải, hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo thích ứng và đối phó với các thảm họa bởi BĐKH, và nhiều vấn đề phức tạp khác như mức độ khí thải tối đa, thước đo đánh giá thiệt hại… nhưng suốt 20 năm qua COP luôn đối diện với hết thất bại này tới thất vọng khác. Tháng 12 năm nay, sau 20 năm, COP21 đã có những bước chuyển chấn động, mà quan trọng nhất là 195 quốc gia thành viên COP21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Mục tiêu này cao hơn gấp đôi so với những cam kết trong các đóng góp quốc gia tự nguyện hiện tại. Tất nhiên, lộ trình và thiết kế hành động phải được thống nhất giữa các nước và giữa các ngành ở mỗi nước.
Nhiều tác động tới chính sách
Còn với Việt Nam, một trong năm nước bị tác động mạnh mẽ nhất do BĐKH, cũng là nước có nhiều vấn đề môi trường với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, theo nhận định của nhiều chuyên gia, kết quả tại COP21 có nhiều tác động lớn tới các chính sách trong nước. Trao đổi với Người Đô Thị, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh GreenID phân tích, quan sát từ các hội thảo bên lề ở vùng Blue Zone (tên gọi một số vùng có tuổi thọ nhiều người dân trên 100 – PV), bà nhận thấy xu thế không thể cưỡng lại của thế giới là sự lên ngôi công nghệ và sáng tạo đổi mới trong thị trường năng lượng. Điều này khiến nền kinh tế toàn cầu sẽ rời bỏ mô hình phát triển và tăng trưởng dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Các mục tiêu cắt giảm khí thải và hạ thấp tác động của phát triển công nghiệp toàn cầu đối với Trái đất trong Thỏa thuận Paris tác động rất to lớn tới các quyết định đầu tư. Năng lượng hóa thạch sẽ tới lúc cạn kiệt, nên theo bà Khanh, chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong định hướng phát triển cơ cấu nguồn.
Một tác động nữa có thể nhìn thấy trong lĩnh vực hợp tác phát triển khoa học công nghệ và tài chính khí hậu. “Nếu đất nước chúng ta có chính sách nhất quán, linh hoạt và nhạy bén để khai thác được các cơ hội và cơ chế thực thi từ Thỏa thuận Paris, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực, kinh nghiệm nông nghiệp và tài nguyên sẵn có thì có thể là một bước chuyển lớn tạo động lực cho nền kinh tế đang cần có luồng sinh khí mới”, bà Khanh nhận định.
Giao việc đúng người, tiền tới đúng chỗ
Nhìn nhận Việt Nam có khả năng vừa trở thành một nước “vừa được hưởng lợi và được bù đắp do tác động BĐKH từ Thỏa thuận Paris, nhưng cũng sẽ là một nước gặp nhiều thách thức trong việc thực hiện cam kết này”, bà Lâm Thị Thu Sửu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội và phát triển – CSRD, cho rằng: các bộ ngành Việt Nam cần có chính sách và cơ chế phù hợp, khả năng thực tế phải được thiết kế một cách bài bản và khoa học, rà soát lại toàn bộ các chỉ số tăng trưởng toàn quốc và tăng trưởng mỗi ngành và mỗi khu vực… Chỉ như vậy mới có thể thực hiện được cam kết do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra ở COP21, là “giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”.
Thực tế, Việt Nam đã xây dựng được chiến lược và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh ở cấp quốc gia từ 2014. Trong năm 2015, một số địa phương đã có kế hoạch “thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”. Theo bà Sửu, các kế hoạch này nếu được thiết kế một cách bài bản và chuyên nghiệp thì hoàn toàn có thể góp phần cho Việt Nam thực hiện cam kết của mình đối với tuyên bố chung COP21. Tuy nhiên, quan sát các văn bản kế hoạch và quá trình xây dựng kế hoạch của các tỉnh lại cho thấy, các kế hoạch này không được xây dựng một cách hiệu quả và không khả thi. Nhiều địa phương vẫn làm kế hoạch này một cách đối phó.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà soạn thảo kế hoạch hành động tăng trưởng xanh này đã không chú ý đến vai trò của các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) và vai trò doanh nghiệp. Thực tế, chính XHDS là các tổ chức đã đồng hành cùng các nhóm cộng đồng trong việc hỗ trợ các cộng đồng thực hành sản xuất xanh, bảo vệ môi trường… Còn các doanh nghiệp nếu cam kết giảm phát thải, sản xuất xanh thì phải được tham gia đầu tiên. Vì vậy, rất cần một kế hoạch phù hợp với sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Các cam kết liên quan đến hỗ trợ tài chính từ nước giàu đến nước nghèo chịu ảnh hưởng bởi BĐKH là một phần rất quan trọng trong Thỏa thuận Paris. Các đối tượng thụ hưởng số tiền này phải là các nhóm thiệt thòi và bị ảnh hưởng nhiều nhất từ BĐKH. Bà Sửu cho biết, nhiều năm qua, cũng đã có một số quỹ khí hậu ra đời, tuy nhiên thực tế, các nhóm cộng đồng địa phương ở các nước bị ảnh hưởng như Việt Nam chưa nhận được nguồn hỗ trợ này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ ở Việt Nam, nhóm người nghèo ở các vùng ven biển, người nghèo đô thị và phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất về mặt sinh kế, nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ các quỹ khí hậu. Vì vậy, theo bà Sửu, Việt Nam cần xem xét cơ chế thế nào để đảm bảo tiền về đúng đối tượng. Trong đó các tổ chức XHDS cần được tham gia như một bên quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong phân phối nguồn tiền và hiệu quả trong sử dụng nguồn tiền.
Lê Quỳnh – Nguồn: nguoidothi.vn