Cuộc sống khó khăn của người Rục tỉnh Quảng Bình
Đến với đồng bào người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vào những ngày đầu năm 2018, nhóm chúng tôi gồm các thành viên của Câu lạc bộ Lòng Lề Đường Quảng Bình và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) đã may mắn khi chứng kiến ngày xuống giống đầu tiên Vụ Đông Xuân của đồng bào và các Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên Phòng Cà Xèng, đóng ngay trên địa bàn bản Mò O Ồ Ồ.
Nhớ lại cách đây gần 8 năm, chính Cán bộ chiến sĩ Đồn Cà Xèng dưới sự đầu tư của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình bằng nguồn vốn 30a của Chính phủ đã trực tiếp khai hoang, xây dựng để hình thành gần 10ha ruộng lúa nước theo dự án “Công trình thủy lợi ruộng lúa nước Rục Làn” tại bản Mò O Ồ Ồ để giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Kể từ đó đến nay, đồng bào và chiến sĩ luôn luôn cùng nhau cày bừa, xuống giống và chăm sóc, thu hoạch mỗi năm 1 – 2 vụ (tùy theo điều kiện thời tiết, thiên tai) để tự cung cấp một phần lương thực cho khoảng 77 hộ trong bản, mà cái chính là giúp đồng bào làm quen với tập quán canh tác lúa nước để sinh sống lâu dài tại mảnh đất họ đã được định cư cách đây 58 năm.

Người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình định cư chủ yếu ở hai bản Ón và Mò O Ồ Ồ, cùng với người Sách ở bản Yên Hợp tạo thành một cộng đồng gắn kết với nhau, địa bàn nằm cách trung tâm thị trấn Quy Đạt 30 km theo đường Quốc lộ 12A. Mặc dù nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức từ năm 1993 để trợ cấp lương thực, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, vật chất sản xuất, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, xây dựng Trường học, Trạm Y tế, cầu đường, và nhà ở nhưng đời sống của đồng bào ở đây vẫn vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Kể từ khi được phát hiện vào ngày 12/8/1959, người Rục được biết đến là tộc người có tập quán rất lạc hậu, đồng bào lấy vỏ cây làm khố che thân, săn, bắt, hái lượm, lấy cây nhúc, củ rừng làm nguồn lương thực chủ yếu để sinh sống; quen sống nơi hang sâu, gốc cây thay cho nhà ở; lúc ốm đau hái lá cây rừng làm thuốc và cúng “Giàng”. Bởi tập quán lạc hậu “Đói không lo, no không mừng”, người Rục không có khả năng tổ chức sản xuất nông nghiệp như các tộc người khác và không quen với cuộc sống định canh, định cư. “Tiếng gọi nơi hoang dã” luôn thường trực trong không ít người Rục, chỉ cần một tổn thương nhỏ trong cuộc sống là xu hướng trở lại hang động lại trỗi dậy. Hàng năm, vẫn có không ít người lớn tuổi bỏ vào hang đá sống từ 3 – 4 tháng vì nhớ rừng. Đây chính là trở lực lớn nhất trên hành trình hòa nhập cộng đồng của người Rục.
Trò chuyện với anh Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, anh Long cho biết mặc dù tuổi đời còn khá trẻ (anh Long sinh năm 1996) nhưng vừa mới được bà con bầu làm Trưởng bản, bởi vì anh đã được đi học ở Trường Dân tộc nội trú của tỉnh Quảng Bình. Theo anh Long thì đời sống của đồng bào trong bản chủ yếu dựa vào săn bắt hái lượm các loại lâm sản phụ và làm ruộng, vườn, nhưng chủ yếu vẫn là nhờ vào sự trợ cấp của Nhà nước, bởi vì địa bàn rừng núi thiếu đất sản xuất và nước tưới, mà quanh năm còn phải chịu ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai khắc nghiệt như hạn hán, bão, mưa lớn và rét đậm. Trong số 3 bản thì chỉ có bản Mò O Ồ Ồ làm được lúa nước trên diện tích do Đồn Biên phòng Cà Xèng khai hoang, mà có năm cũng chỉ làm được 1 vụ do ảnh hưởng của thiên tai. Diện tích vườn nhà của các hộ đồng bào cũng rất nhỏ do địa hình đồi núi, đất đai cằn cỗi, đồng bào cũng thiếu kỹ thuật, vốn và nguồn giống để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Cơ sở vật chất sinh hoạt của đồng bào cũng vô cùng thiếu thốn, đa số hộ gia đình đều không có nhà vệ sinh, và nguồn nước tại các bể chứa nước tự chảy cũng thiếu vào mùa khô.



Bên cạnh những thiếu thốn về mặt vật chất, đồng bào người Rục ở các bản này cũng đang đối mặt với những vấn đề khác như thiếu các điều kiện về an sinh xã hội, lạc hậu, bệnh tật, tuổi thọ thấp và suy thoái nòi giống do nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bởi tập quán sống bó hẹp, nhút nhát. Mong muốn, trăn trở của anh Long là người dân trong bản được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ, đầu tư các mô hình về nông nghiệp, sinh kế vườn nhà để nâng cao đời sống, con em trong bản được đi học đầy đủ và học lên các cấp cao hơn để có cơ hội tiếp xúc với cái văn minh ở bên ngoài, từ đó các em mới có nhận thức về hoàn cảnh của đồng bào mình và có ý thức vươn lên…
Trong những ngày cuối năm này, khi người người, nhà nhà đang tất bật chuẩn bị đón một cái Tết ấm no, đầy đủ thì ở nơi núi rừng xa xôi, đồng bào người Rục vẫn đang chìm trong cuộc sống tách biệt với xã hội văn minh, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc và phải đối diện với những khó khăn đang chờ đón ở tương lai phía trước. Lúc trở về, chúng tôi ai cũng mang trong mình nỗi day dứt và chỉ mong sao Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng quan tâm hơn nữa, có những cách làm đúng đắn để vực dậy đời sống của đồng bào người Rục ở Quảng Bình, đưa họ hòa nhập bình đẳng hơn với cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Quang Tiến – CSRD