Sáng kiến Đánh giá tài nguyên nước (Valuing Water Initiative – VWI) được đưa ra vào năm 2019 như là kết quả của Hội đồng cấp cao về nước từ Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới. Sáng kiến này đưa ra 5 nguyên tắc đánh giá tài nguyên nước nhằm tìm kiến sự thay đổi có tính hệ thống về vai trò của nước trong quá trình ra quyết định, để đảm bảo một thế giới có nguồn nước bền vững.
Giá trị của nước trong nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh và năng lượng có thể được đánh giá dưới quan điểm kinh tế về đầu vào – đầu ra. Quan điểm này định lượng lợi nhuận hay lợi ích theo nhiều cách, như việc làm, giá trị sản phẩm trên một đơn vị của nước hoặc giá trị tăng thêm của sản phẩm.
Nông nghiệp sử dụng phần lớn (69%) lượng nước ngọt trên toàn thế giới. An ninh lương thực từ lâu đã là một thách thức cho xã hội loài người và sẽ trở thành một vấn đề toàn cầu ngày càng cấp thiết trong các thập kỷ tiếp theo: nhu cầu toàn cầu cho thực phẩm và các nông sản khác được dự báo sẽ tăng 50% từ 2012 đến 2050, do sự gia tăng dân số.
Thêm vào đó, tại nhiều khu vực trên thế giới, nước cho sản xuất lương thực là tác nhân chính của suy thoái môi trường, bao gồm sự cạn kiệt tầng ngậm nước dưới đất, sự suy giảm dòng chảy sông, sự suy thoái môi trường sống của động vật hoang dã, và sự ô nhiễm.
Định giá giá trị nước trong sản xuất lương thực nên cân nhắc không chỉ việc sử dụng nước mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn các lợi ích kinh tế, văn hóa-xã hội hoặc môi trường liên quan đến nước. Những lợi ích gián tiếp này thường không được tính đến. Một vài lợi ích bao gồm việc đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thích ứng với những thay đổi trong khuôn mẫu tiêu dùng, tạo ra việc làm và cung cấp khả năng phục hồi sinh kế đặc biệt cho nông dân sản xuất nhỏ, đóng góp vào giảm nghèo và tái sinh nền kinh tế nông thôn, hỗ trợ giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, và cung cấp các dịch vụ nước với nhiều mục đích sử dụng.
Nước có giá trị lớn với an ninh lương thực nhưng rất hiếm khi được định lượng, và nó cũng thường là một mệnh lệnh chính trị.
Công nghiệp và năng lượng cùng với nhau sử dụng khoảng 19% lượng nước ngọt trên thế giới. Hai ngành kinh doanh này rất chú trọng vào chu trình lưu chuyển tiền tệ, dẫn đến khuynh hướng hướng tới các khía cạnh xác định của giá trị trong khi loại bỏ những khía cạnh khác.
Giá trị tiền tệ đơn giản nhất là thể tích: giá trên mỗi mét khối, nhân với lượng nước sử dụng, cộng với chi phí xử lý và xả thải.
Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận ra năng suất kinh tế tổng thể của nước trong các ngành năng lượng, công nghiệp và kinh doanh cũng dẫn tới đa dạng các đồng lợi ích, như tạo việc làm, giá trị sản phẩm trên một đơn vị của nước hoặc giá trị tăng thêm của sản phẩm.
Ví dụ, kinh tế tuần hoàn sẽ coi trọng nước đến mức mỗi lít nước được tái sử dụng rất nhiều lần, khiến nước hầu như trở thành một phần của cơ sở hạ tầng chứ không phải một tài nguyên để sử dụng.
Việc định giá nước không phù hợp cho sản xuất năng lượng, các hoạt động nông nghiệp – công nghiệp, cũng như sử dụng trong sinh hoạt dẫn đến việc sử dụng nước kém hiệu quả, thải nhiều chất gây ô nhiễm, làm suy thoái hệ thống nước ngọt và đại dương; tất cả dẫn đến căng thẳng cao về nước do quá ít nước, quá nhiều nước, hay nước quá bẩn.
Nguồn: UNESCO. Valuing water for the Economy. Truy cập tại: http://www.unesco.org/reports/wwdr/2021/en/valuing-water-economy