Khuyến nghị 06 điểm có thể lắp đặt bẫy thu gom rác thải trên lưu vực sông Hương – Thừa Thiên Huế

Sáng ngày 14.3, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) tổ chức hội thảo cập nhật những kết quả chính của dự án “Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” và giới thiệu mô hình bẫy rác, cách thức vận hành của mô hình nhằm quản lý và thu gom chất thải trên lưu vực sông Hương.

Toàn cảnh hội thảo ngày 14/3/2019.
Bà Phạm Thị Diệu My – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội trình bày về tổng quan của dự án tính đến thời điểm hiện tại, với những kết quả đáng kể mà dự án mang lại.
Ông James Wood – Giám đốc công ty Bandalong, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và lắp đặt bẫy rác trên sông.

Với sự hướng dẫn và hỗ trợ nghiên cứu của ông James Wood – chuyên gia nghiên cứu của công ty Bandalong – Úc, CSRD đã tiến hành khảo sát thực tế, lựa chọn 6 điểm phù hợp để lắp đặt bẫy rác trên lưu vực sông Hương, nhằm thu gom rác thải trôi nổi trên sông, đặc biệt là rác thải nhựa. 06 điểm khuyến nghị đặt bẫy rác trên sông Hương bao gồm: ngã ba Bao Vinh, cầu Phú Mỹ, Chi Lăng- Trịnh Công Sơn, Nguyễn Sinh Cung, cầu Phú Lưu (qua Cồn Hến) và sông An Cựu (đoạn dọc đường Hải Triều).
Mô hình bẫy rác rất phù hợp đối với địa hình, dòng chảy và độ rộng của các con sông, kênh nhỏ trên lưu vực sông Hương. Kinh phí mỗi bẫy rác tuỳ loại có giá từ 25.000$-40.000$, thời gian sử dụng bẫy lên đến gần 20 năm.

06 điểm khuyến nghị có thể lắp đặt bẫy rác trên lưu sông Hương.

Cũng trong khuôn khổ của dự án này, CSRD triển khai dự án rất nhiều các hoạt động liên quan từ tháng 8/2018 tại một 06 trường học trên địa bàn TP. Huế là trường THPT Chuyên Quốc Học Huế, trường THPT Bùi Thị Xuân, trường THCS Phan Sào Nam, trường THCS Trần Cao Vân, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và trường THCS Hoàng Kim Hoán ở TX. Hương Trà. Dự án đặt mục tiêu chung là giảm 5% lượng rác thải rắn thải ra môi trường bằng cách thực hiện các hoạt động phân loại rác tại trường học, thúc đẩy mô hình 4R (Từ chối – Tiết giảm – Phân loại – Tái chế), tổ chức các truyền thông nâng cao nhận thức và ngoại khóa, hội thi cho các em học sinh. Sau gần 7 tháng thực hiện phân loại rác thải đã thu gom được hơn 1.632kg rác tái chế (rác nhựa, kim loại và giấy) và bán được gần 3,5 triệu đồng, số tiền này sẽ được sử dụng cho các quỹ sinh hoạt chung của nhà trường.

Các bạn học sinh tại 06 trường tham gia dự án thực hiện phân loại rác thải tại trường học.
Dữ liệu giám sát được nhà trường và dự án cập nhập hàng tuần.

Tin tức liên quan