Dự án “Thí điểm đánh giá tác động về giới tại thủy điện A Lưới và thủy điện Srepok thuộc khu vực các nhánh sông 3S của miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) do tổ chức Oxfam International tài trợ.

Đánh giá này là một trong những nỗ lực đầu tiên ở Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hành đánh giá tác động giới trong phát triển thủy điện, sử dụng các công cụ được tham khảo chủ yếu từ “Balancing the scales: Using gender impact assessment in hydropower development” (Cân bằng tỉ lệ: Sử dụng đánh giá tác động giới trong phát triển thủy điện) của tổ chức Oxfam. Hơn là một sản phẩm cuối cùng, triển khai đánh giá này còn là một quá trình học tập với mong muốn tối đa hóa các bên liên quan khác nhau tham gia vào quá trình nghiên cứu, tăng cường hiểu biết và thúc đẩy thực hành. Địa bàn nghiên cứu là các cộng đồng bị tác động bởi các thủy điện Srepok 3,4,và 4A được xây dựng trên sông Srepok, thuộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Các cuộc thảo luận nhóm đã được tiến hành với sự tham gia của người dân từ khu tái định cư thủy điện Srepok 3 thuộc thôn Tân Phú, xã Ea Noul (phụ hệ) và các cộng đồng bị tác động bởi thủy điện Srepok 4 và 4A tại buôn Trí A (mẫu hệ) và Ea Mar (mẫu hệ có thay đổi), xã Krong Na.

Kết quả đánh giá này khẳng định một lần nữa sự phân công lao động, vai trò, tác động và nhu cầu khác nhau giữa nam giới và phụ nữ trong lịch sử phát triển của các cộng đồng được nghiên cứu, và dưới tác động của phát triển thủy điện trên sông Srepók hiện nay làm cho người phụ nữ ngày càng khó khăn hơn nhiều trong cuộc sống kinh tế, sức khỏe và tinh thần, thậm chí ở các cộng đồng mẫu hệ. Nguyên nhân chính là do các dự án phát triển năng lượng này nghiêng về công nghệ, xây dựng các “phần cứng” trong khi ít tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, ít huy động được sự tham gia của cộng đồng và chưa nhận thức đầy đủ vấn đề giới. Dựa trên các phân tích, phần cuối báo cáo đưa ra đưa ra một số khuyến nghị và góp ý đối với bộ công cụ đánh giá giới được sử dụng.