Ngày 6/12/2016 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với Mạng lưới Sông ngòi Việt nam và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) tổ chức Hội nghị đối thoại “Vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung, Tây Nguyên” – Lần thứ 3 tại khách sạn Luxury, 205 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng. Hội nghị với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đak Lak và Đak Nông

Mục tiêu của hội nghị giúp người dân, các bên liên quan và chính quyền các cấp có cơ hội đối thoại trực tiếp phản ánh các vấn đề liên quan đến thủy điện và đời sống. Cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức và các cấp chính quyền để thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Hội nghị đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, những người đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu về đề tài thủy điện, các bên liên quan, những người dân của các cộng đồng đang tiến hành nghiên cứu tri thức tại địa phương. Các ý kiến tập trung đến tình hình phát triển hiện thủy điện hiện tại của nước ta đặt trong bối cảnh tự nhiên và xã hội.
Về phía người dân nhiều ý kiến từ những tác động tiêu cực do xây dựng thủy điện đã được trình bày, ông Nguyễn Khánh Tâm Anh (nhóm cộng đồng xã Đại Hồng – Quảng Nam) nói: “Cuộc sống của chúng tôi từ khi có thủy điện đã thay đổi rất nhiều, người dân bị ảnh hưởng thì chúng tôi phải kêu thôi. Những tác động này chúng tôi biết là không thể nói và giải quyết trong ngày một ngày hai, đây là vấn đề mà cả người dân, chính quyền, nhiều bên liên quan và thủy điện cùng chung tay để giải quyết”.

Đại diện công ty thủy điện cho rằng “Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị mà thủy điện mang lại nhưng hệ lụy là không thể tránh khỏi. Những tác động của Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã làm thay đổi dòng chảy và lưu lượng nước đưa đến những hệ lụy không hề nhỏ cho việc vận hành thủy điện, cần xem xét vấn đề này như một nguyên nhân khách quan chính. Về những khó khăn của người dân chúng tôi vẫn sẽ khắc phục và hỗ trợ, nhưng đây là vấn đề cần phải được thực hiện trong một thời gian dài và cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – ông Lê Đình Bản (Phó Giám đốc thủy điện A Vương).

Bên cạnh vấn đề về yếu tố tự nhiên các vấn đề liên quan khác như cách quản lý vận hành liên hồ chứa, quy trình xả lũ, thông báo xả lũ… cũng đang là những vấn đề gây nhiều tranh cãi tại hội nghị. Các thông tư, quy chế vận hành đã được ban hành và áp dụng tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, thiếu liên kết, kết nối giữa các hồ. Mọi quy trình, cơ chế đưa ra đều được tuân thủ, tuy nhiên cần xem xét là việc tuân thủ đang ở mức độ nào và cần cải thiện những gì để tốt hơn. Vấn đề nghiên cứu khoa học về tác động làm thay đổi cuộc sống của người dân khu vực có thủy điện không nên chỉ dừng lại ở khía cạnh chỉ là những tác động của thủy điện mà cần phải được mở rộng đến yếu tố biến đổi của tự nhiên, tác động của con người,…
Đặc biệt hội nghị cũng quan tâm đến đánh giá tác động giới cần được lồng ghép vào trong các đánh giá trước khi xây dựng thủy điện khi phụ nữ đang được cho là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu nhiều rủi ro hơn nam giới.

Kết quả của các lần hội nghị đối thoại trước đây đã đưa ra rất nhiều thông điệp về trách nhiệm giữa phát triển thủy điện và đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên liên quan. Theo đó hội nghị cũng đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng cần xem xét một cách toàn diện các tác động về môi trường và xã hội gắn với trách nhiệm giải trình cũng như thu nhận ý kiến, phản ánh từ phía cộng đồng, xã hội của các công trình thủy điện.
Hội nghị đối thoại nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy cách tiếp cận có sự tham gia để phát triển thủy điện và giám sát ở miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam” mà CSRD đang thực hiện với sự tài trợ của tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (RLS).
CSRD